Với tỷ lệ tán thành 91%, Quốc hội vừa thông qua Nghị
quyết về Phát triển kinh tế xã hội năm 2013, theo đó, đặt mục tiêu lạm
phát thấp hơn và tăng trưởng cao hơn so với năm 2012.
Bộ chỉ tiêu tổng quát được Quốc hội thông qua với 15
điểm, bao gồm tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội 5,5%, CPI khoảng 8%,
bội chi ngân sách không quá 4,8% GDP, nhập siêu khoảng 8%, xuất khẩu
tăng 10%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tạo việc làm cho
khoảng 1,6 triệu lao động… Đây là phương án nhận được nhiều sự tán đồng
nhất từ phía các đại biểu, trong số 4 phương án được cơ quan soạn thảo
đưa ra.
Cùng đó là đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn
với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo an
sinh và phúc lợi xã hội. Để thực hiện các mục tiêu này, Nghị quyết cũng
để ra 8 nhóm giải pháp chủ yếu, nhằm tổ chức thực hiện trong giai đoạn
cuối năm 2012 và cả năm 2013. Các giải pháp này cũng nhận được sự nhất
trí cao của các đại biểu.
Đến trước phiên biểu quyết sáng 8/11, cơ quan soạn
thảo đang dự kiến 2 phương án cho mục tiêu tổng quát năm 2013, theo đó,
phương án đề xuất đặt mục tiêu tương đối cụ thể cho việc ổn định kinh tế
vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng (lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn
2012) đang nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ các đại biểu. Tại phương án
này, nhiệm vụ thực hiện các đột phá chiến lược, gắn với tái cơ cấu nền
kinh tế, tạo nền tảng phát triển chính thức cho giai đoạn tiếp theo cũng
được đặt ra.
Ở phương án còn lại, cơ quan soạn thảo dự kiến đưa mục
tiêu "kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định, tạo lòng tin cho thị
trường và xã hội" lên hàng đầu. Kế đó là duy trì tăng trưởng hợp lý, đẩy
mạnh 3 đột phá gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên mức so sánh cụ
thể so với các kết quả của năm 2012 không được đưa ra.
Về các chỉ tiêu cụ thể, có 4 phương án đưa ra để các
đại biểu lựa chọn. Theo phương án được Chính phủ trình, sẽ có 18 chỉ
tiêu tổng hợp, bao gồm 6 về kinh tế, 6 về xã hội và 6 về môi trường.
Ngoài ra còn có phương án khác như chỉ đưa ra 6 chỉ tiêu cụ thể về kinh
tế, còn lại phấn đấu đảm bảo các vấn để như việc làm, tỷ lệ giảm
nghèo... Hoặc phương án 11 chỉ tiêu, trong đó có 6 về kinh tế, 5 về xã
hội và môi trường.
Trong quá trình thảo luận, quan điểm đang nhận được
nhiều sự ủng hộ nhất là đưa ra 15 chỉ tiêu, tương tự như năm 2012. Theo
đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%, xuất khẩu tăng
khoảng 10%, nhập siêu khoảng 8%, bội chi ngân sách không quá 4,8% và lạm
phát khoảng 8%...
Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục được duy trì ở mức dưới 4%,
tương tự như năm 2012. Đây là chỉ số rất đáng chú ý trong bối cảnh kinh
tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch
& Đầu tư, sau 9 tháng đầu năm 2012, tỷ lệ lao động trong độ tuổi
không có việc làm là 2,17%, trong đó khu vực thành thị là 3,53%, khu vực
nông thôn là 1,55%.
Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu cũng đề nghị cân nhắc
đưa một số khái niệm mới như môi trường kinh doanh, chỉ số cạnh tranh
quốc gia, tín nhiệm quốc gia... vào nhóm mục tiêu kinh tế. Ngoài ra cũng
nên bổ sung một số vấn đề như nâng cao chất lượng công tác dự báo, tạo
niềm tin cho thị trường và toàn xã hội.
Về các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, cơ quan soạn
thảo dự kiến đưa ra 8 điểm, trong đó yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa
chính sách tài khóa và tiền tệ trong huy động và sử dụng nguồn lực cho
nền kinh tế được đưa lên hàng đầu. Cùng với đó là việc tiếp tục tháo gỡ
khó khăn cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp
tục đổi mới giáo dục, phát triển khoa học công nghệ, phòng chống tham
nhũng... Các nhiệm vụ, giải pháp này, cùng với việc tổ chức thực hiện
nhận được sự đồng thuận khá cao trong các đại biểu.
Cùng với việc xác định nhiệm vụ cho năm 2013, Nghị
quyết của Quốc hội cũng dành thời lượng thích đáng để đánh giá việc thực
hiện các nhiệm vụ của năm 2012. Về cơ bản, cơ quan lập pháp nhất trí
với báo cáo của Chính phủ, với việc đạt và vượt 10 trong tổng số 15 mục
tiêu đề ra.
Tuy vậy, Quốc hội cũng đánh giá trong năm 2012, trước
những diễn biến trong nước và thế giới, áp lực lạm phát, bất ổn vẫn đè
nặng lên nền kinh tế. Nhiều chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng, đầu tư
toàn xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo... chưa đạt. Nhiều ý kiến đại biểu
yêu cầu Chính phủ cần làm rõ hơn nữa những tồn tại, nguyên nhân, đặc
biệt là nguyên nhân chủ quan của việc không hoàn thành một số nhiệm vụ,
từ đó rút kinh nghiệm cho năm 2013.
Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, Nghị quyết của Quốc hội
cũng dự kiến yêu cầu Chính phủ tập trung vào các nhiệm vụ như giải
quyết nợ xấu, giảm tồn kho, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp,
chủ động quản lý giá trong dịp Tết. Đây được xem là những mục tiêu quan
trọng, góp phần hoàn thành kế hoạch năm 2012 cũng như tạo tiền đề cho
Chính phủ hoàn thành tốt mục tiêu đề ra cho năm 2013.
Nhật Minh - Đoàn Loan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét